Ông Lương Quốc Ấn, sanh năm 1958, tại thành phố Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên, hỏi:
– Kính thưa Trưởng ban, trong các kinh Đức Phật dạy, kinh nào Như Lai dạy đầy đủ nhất, để chúng tôi chỉ học duy nhất bộ kinh đó thôi?
Trưởng ban trả lời:
Thầy muốn học kinh đầy đủ nhất là Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, kinh này có 28 phẩm, dẫn từ thấp đến cao, cao nhất là Phật thừa.
Ông Lương Quốc Ấn nói tiếp:
– Tiện đây, Trưởng ban có thể giải nghĩa cho chúng tôi hiểu rõ vài ý trong kinh này được không?
Trưởng ban nói:
– Nếu giải nghĩa kinh thì phải giải cặn kẻ bằng không thôi đừng giải. Vì ông, tôi giải thích cái căn bản của kinh Diệu Pháp Liên Hoa này như sau:
Người muốn học kinh Phật giáo, phải hiểu tường tận, phải hiểu từng chữ, từng lời, tu tập nữa thì mới có kết quả tốt được.
Vì sao vậy?
Vì chúng ta hiểu đúng, nếu có ai nhờ chúng ta chỉ dẫn, chúng ta chỉ dẫn không sai, không sai thì có cái lợi cho cả hai:
– Người chỉ dẫn được công đức lớn.
– Người được chỉ dẫn đúng, vị đó hành đúng nữa, việc trở về nguồn cội của chính họ rất dễ dàng, thì có gì bằng.
Trưởng ban nói tiếp:
Kinh Diệu Pháp Liên Hoa có năm nghĩa như sau:
Một là xuất sanh: Tức sản xuất và sanh ra từ giáo lý sơ đẳng, trung đẳng, cao đẳng, hay nói một cách khác là từ Tiểu thừa đến Đại thừa, từ hữu vi đến vô vi. Nhưng rất thần diệu, mầu nhiệm, đặc biệt là lộ ra cái Tri Kiến của mình, để người đạt đến Phật quả.
Hai là hiển thị: Hiển bày ra cái ý sâu mầu của Đức Phật muốn nói trong bộ kinh này.
Ba là tuyền dũng: Như dòng suối chảy mạnh, cuốn trôi tất cả các mê lầm của chúng sanh.
Bốn là thần mật: Thần kỳ và bí mật, duy nhất chỉ có một con đường là từ 1 con người phàm phu trở thành là 1 vị Phật, không có con đường nào khác.
Năm là kiết mang: Thâu tóm tất cả các kinh điển, từ Tiểu thừa đến Đại thừa, Tịnh độ cũng như Mật chú, đều nằm gọn trong bộ kinh này, Phật nói từ bình thường đến sử dụng thần thông để độ các loài Súc Sanh như:
– Loài người.
– Loài Thần (tức A Tu La).
– Loài Ngạ Quỉ.
– Loài Trời.
– Loài Thinh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát.
– Nhưng loài ở Điạ Ngục Phật không độ được.
Trên đây là mục đích của Đức Phật dạy trong bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa.
Còn Diệu Pháp có bốn nghĩa:
Một là xảo diệu: Khéo mở cửa phương tiện, dạy con người từ phàm phu để trở thành là 1 vị Phật, không qua Thinh Văn, Duyên Giác hay Bồ Tát.
Hai là thắng diệu: Đức Phật dùng phương tiện ba xe như: Xe Nai, xe Dê, xe Trâu, để dụ các con (là chúng ta) ra khỏi nhà lửa và trao cho các con của Ngài chỉ có một xe trâu mà thôi, Đức Phật dùng phương tiện, được thành công gọi là thắng diệu, còn rất nhiều thắng diệu khác như: Chàng cùng tử. Hạt châu trong chéo áo. Hạt châu trong búi tóc, v.v…
Ba là vi diệu: Đức Phật chỉ tướng chân thật cho chúng ta là cái hay Thấy, cái hay Nghe, cái hay Pháp và cái hay Biết của chính chúng ta; mà Đức Phật dạy gọn cho chúng ta là cái “Tri và Kiến” chân thật của mỗi người.
Bốn là tuyệt diệu: Đức Phật ra đời duy nhất chỉ có một điều là KHAI – THỊ – CON NGƯỜI – NGỘ – NHẬP – PHẬT – TRI – KIẾN của chính chúng ta mà thôi, chứ Đức Phật không chỉ dạy việc gì khác.
Ông Lương Quốc Ân hỏi tiếp:
– Trưởng ban bảo trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa Đức Phật chỉ độ từ loài Súc Sanh đến cõi Trời, sao không độ loài chúng sanh ở Điạ Ngục?
Trưởng ban nói:
– Tuy Đức Phật có thần lực vi diệu nhiệm mầu trùm khắp, khi muốn độ loài nào, loài đó phải ở trong tình trạng NGHE và THẤY được, thì Đức Phật mới độ. Còn ở Địa Ngục quá khổ sở, bị trừng phạt không khi nào được ngơi nghĩ thì làm sao Đức Phật nói cho họ nghe được. Hơn nữa Đức Phật không dám phá vỡ nhân quả nghiệp báu trong vật lý luân hồi.
Chúng tôi ví dụ:
– Có ai đang bị loài kiến bu quanh khắp thân mình, cắn người ấy không ngơi nghĩ. Bên ngoài có vị nào dùng lời nói tốt hay âm thanh ngọt ngào đến đâu, người ấy có NGHE và THẤY được không?
Ông Lương Quốc Ân trả lời:
– Thưa không.
Ông Lương Quốc Ân lẩm bẩm:
– Đức Phật độ không được, vậy mà hiện giờ có thầy dạy môn đồ mình “xuống Địa Ngục để độ chúng sanh ở dưới” thật là khó hiểu!
Trưởng ban nói tiếp:
– Liên hoa là hoa sen có năm nghĩa:
Một: Có hoa liền có hạt, gọi là nhân quả đồng thời. Ẩn ý, nếu ai tu nhận ra được Phật tánh của chính mình và sống với Phật tánh ấy, tức khắc mình là Phật rồi đó.
Hai: Mọc trong bùn mà không dính bùn nhơ. Ẩn ý, Phật tánh dù ở đâu cũng không bị ô nhiễm, giống như hoa sen vậy. Do đó, các vị thiền sư có nói: “Hoa sen trong lò lửa”, là nói ý này.
Ba: Cộng, bông, từ gốc mọc thẳng lên, lúc nào cũng vượt lên khỏi mặt nước. Ẩn ý, chỉ có con đường duy nhất là đến quả Phật.
Bốn: Ong bướm không bu đậu.
Năm: Không làm vật trang điểm cho phụ nữ.
Hai mươi tám phẩm trong kinh, mỗi phẩm có một ẩn ý. Nếu ông hiểu và hành theo tựa của kinh, là ông đã học xong bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa này rồi, không cần phải học hết, bằng không hiểu thì ông phải học đi học lại cho đến khi nào ông nhận ra Phật tánh của ông thì ông mới xứng đáng là người đã học thuộc kinh Diệu Pháp Liên Hoa.
Trưởng ban nói với ông Lương Quốc Ấn:
– Đặc biệt, trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa này, có 2 phẩm có liên quan đến nước Việt Nam chúng ta. Vì pháp môn Thiền tông học này, được xếp vào hàng tuyệt mật của Phật giáo, nên phải đúng thời cơ chúng tôi mới nói ra.
Ông Lương Quốc Ấn, hết sức vui mừng và cám ơn Trưởng ban.
Trích quyển “Những câu hỏi về Thiền tông quyển 1″ – tác giả Nguyễn Nhân.